NAS là gì và tại sao bạn cần dùng NAS ?

NAS là gì ?

NAS viết tắt của Network Attached Storage, dịch ra là một bộ nhớ truy cập qua mạng. Hơi khó hình dung đúng không. Mình giải thích rõ hơn cho các bạn dễ hình dung nhé.

Mình có một cái máy tính (có thể là máy bàn hay laptop gì đó cũng được), bên trong các bạn có gì ? Ngoài CPU, RAM, card đồ họa, thì chắc chắn không thể thiếu ổ cứng để lưu trữ đúng không. Ổ cứng đó gắn trực tiếp vào mainboard thông qua cổng SATA hoặc khe M2.

 

Bây giờ chúng ta tách ổ cứng ra, à, mình chỉ tách ổ cứng lưu trữ dữ liệu ra thôi nhé, ổ cứng để chạy OS thì vẫn phải để trong máy nhe. Cái ổ cứng mình vừa tách ra này, làm sao để truy cập vào nó ? Ở đây, mình chọn mạng LAN. Tức là mình sẽ cắm một sợi dây mạng vào nó, kết nối nó vào mạng LAN của bạn. Nó sẽ có một địa chỉ IP, và bạn có thể giao tiếp với nó thông qua địa chỉ IP này.

 

Đó là NAS

Tại sao bạn lại cần NAS ?

Giới hạn về bộ nhớ

Với cách truyền thống, bạn phải cần lắp nhiều ổ cứng để mở rộng bộ nhớ. Mua thêm 1 ổ cứng, bạn sẽ mất một cổng trên mainboard. Nếu bạn dùng máy bàn, điều này có thể không phải là một vấn đề gì đó quá lớn nhưng với laptop thì là một câu chuyện khác. Mình nghĩ các bạn có thể hình dung được câu chuyện này. Ngày nay rất nhiều laptop hiện nay còn không cho phép bạn nâng cấp bộ nhớ.

 

Với NAS, bạn sẽ có nhiều khe cắm cho ổ cứng. Có loại 2 khe, 4 khe tới loại mười mấy khe cắm cũng có, tùy vào nhu cầu của bạn thôi. Cứ thiếu bộ nhớ thì bạn mua thêm 1 ổ cứng và cắm vào là xong.

Khả năng mất ổ cứng

Khi khả năng nâng cấp trên máy tính bị giới hạn, bạn sẽ mua thêm ổ cứng di động. Nhưng lỡ bạn làm mất cái ổ cứng đó thì sao ? Vì nó khá nhỏ gọn, và bạn thường xuyên mang đi đây đi đó. Khả năng này càng cao khi bạn có nhiều ổ cứng di động.

Với NAS, vì nó khá cồng kềnh nên bạn không thể mang nó đi đâu được. À nó cần có điện & mạng để hoạt động nữa. Nên bạn đặt đâu thì nó cứ nằm im đó thôi.

Khả năng truy cập linh hoạt

Tuy nằm im một chỗ, nhưng bạn có thể truy cập vào NAS mọi lúc mọi nơi, miễn là bạn có kết nối bạn. Nó giống như một trang web vậy. Website nằm một chỗ trên trên một server, nhưng rõ ràng là bạn đi đâu cũng có thể truy cập vào trang web đó đúng không. NAS cũng giống vậy đó. Nếu trong mạng nội bộ thì truy cập trực tiếp vào IP. Nếu ở ngoài thì bạn có thể NAT ra rồi truy cập thông qua IP Public hoặc tên miền.

RAID

Bây giờ, cho là bạn là một người vô cùng cẩn thận, bạn có thể chắc chắn rằng không bao giờ làm mất ổ cứng. Nhưng, có một thứ bạn không thể kiểm soát, đó là hư hỏng. Tuy các ổ cứng bây giờ rất bền, nhưng vẫn có một rủi ro là nó sẽ bị hỏng. Và nếu bạn chỉ lưu trữ dữ liệu của bạn trên ổ cứng, ổ cứng hư là bạn mất trắng.

Công nghệ RAID ra đời giúp dữ liệu của bạn an toàn hơn trước nguy cơ hư hỏng ổ cứng.

Tùy vào loại RAID mà dữ liệu của bạn có thể được back up khác nhau. Ví dụ như với RAID 1, dữ liệu sẽ được ghi vào 2 ổ cứng giống hệt nhau. Trong trường hợp 1 ổ bị hỏng, ổ còn lại vẫn hoạt động bình thường. Còn hỏng cả 2 ổ thì bạn đen rồi.

Một số điều thú vị có thể làm với NAS

Bạn có thể làm một vài điều khác với NAS. Vì NAS về bản chất cũng là một cái máy tính, được thiết kế chuyên cho việc lưu trữ dữ liệu, nhưng nó cũng là một cái máy tính, và bạn có thể cài đặt một vài ứng dụng lên trên đó. Ví dụ như mình đã thấy một anh cài Unifi Controller lên NAS. Vừa dùng NAS để lưu trữ, vừa có controller quản lý Access Point Unifi.

Bạn cũng có thể chia sẻ file cho người khác với NAS một cách dễ dàng. Tương tự như chia sẻ file qua Google Drive hoặc một số NAS cũng có thể đồng bộ với tài khoản Cloud của Google Drive hay Dropbox để bạn có thể backup dữ liệu lên các dịch vụ lưu trữ cloud đó.

NAS dành cho ai ?

Nếu bạn có nhu cầu lưu trữ lớn, muốn truy cập vào dữ liệu mọi lúc mọi nơi, muốn dữ liệu của bạn an toàn hơn. Thì NAS dành cho bạn đó.

Có thể bạn làm về media, cần lưu trữ một lượng lớn video. Có thể bạn làm Doanh nghiệp, cần lưu trữ các resource chung cho công ty.  Nhiều lắm, nhưng điểm chung là : cần dung lượng lớn, khả năng truy cập linh hoạt và an toàn dữ liệu.

NAS so với Cloud thì sao ?

Ngày nay có nhiều dịch vụ Cloud cũng cho phép bạn lưu trữ liệu. Cloud cũng có nhiều ưu điểm như an toàn, khả năng đồng bộ nhanh, truy cập mọi lúc mọi nơi, dễ dàng chia sẻ.

Tuy nhiên, hạn chế của Cloud đó là dung lượng không lớn bằng NAS. Nếu muốn dung lượng lớn thì chi phí cũng khá đắt. Khả năng đồng bộ và lấy file sẽ phụ thuộc vào tốc độ Internet. Giả sử bạn đang cần lấy một file video 40GB đi. Tải về từ Internet với tốc độ 100Mbps so với tải về từ mạng LAN với tốc độ 1Gbps thì cái nào nhanh hơn ? Khác biệt 10 lần đúng không.

Nói chung, không có cái nào là hay hơn cái nào cả. Mỗi giải pháp lưu trữ, từ ổ cứng trên máy tính, ổ cứng di động, Cloud, NAS, trong data center là SAN thì đều có ưu điểm và nhược điểm. Giải pháp tốt nhất là giải pháp phù hợp nhất. Trên đây là một số đặc điểm của NAS so với các giải pháp lưu trữ khác. Hi vọng các bạn có thể tìm được câu trả lời cho riêng mình.

Pro tips : đừng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ nhé.

Cám ơn các bạn!

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng danh mục